Bấm Play để nghe thuyết minh
3. Giai đoạn 1945 – 1954: Tuổi trẻ Việt Nam – Khát vọng độc lập, thống nhất non sông (3)
Sau gần 20 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Từ ngày 7 – 14/2/1950, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại căn cứ địa Việt Bắc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với hơn 400 đại biểu từ khắp mọi miền đất nước tham dự. Đại hội nêu cao quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để chiến thắng”. Đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lâm thời trình bày trước Đại hội bản báo cáo chính trị nhan đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Tổng Bí thư Trường Chinh , đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo Đại hội.
Đại hội phát động các phong trào:
– Đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực tham gia tòng quân giết giặc lập công.
– Thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
– Phát triển phong trào đấu tranh chính trị, chống bắt thanh niên đi lính trong vùng địch tạm chiếm.
– Xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa 1 do đồng chí Nguyễn Lam làm Bí thư.
Phát huy thành công của Đại hội, hàng vạn nam nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia các phong trào “tòng quân giết giặc lập công”,”tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, “mở rộng chiến tranh du kích và đấu tranh chống khủng bố trong các đô thị”.
Sau Đại hội Đoàn, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức. Đại hội vô cùng phấn khởi và vinh dự được Hồ Chủ tịch đến thăm và ân cần căn dặn toàn thể thanh niên phải đoàn kết học tập, rèn luyện để góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi.
Đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn trình bày báo cáo “Chiến đấu và xây dựng tương lai” tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam lần thứ I sáng ngày 07/02/1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Các đại biểu chụp ảnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam lần thứ I, tháng 02/1950.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh – Liên Việt chụp ảnh cùng các cháu thiếu nhi tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam lần thứ I, tháng 02/1950.
Đoàn viên, thanh niên, học sinh lao động lập thành tích kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, năm 1950.
Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam toàn quốc lần thứ I được tổ chức tháng 02/1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
Đồng bào các giới và thiếu nhi cổ vũ thanh niên tòng quân trong phong trào “Thi đua tòng quân giết giặc lập công” do Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I phát động.
Thanh niên miền Nam trước giờ tuyên thệ tòng quân theo phong trào “Giết giặc lập công”, năm 1950.
Du kích Hưng Yên đặt chông diệt địch trong phong trào “Chiến tranh du kích”.
Mẫu phác thảo Huy hiệu Đoàn do họa sĩ Huỳnh Văn Thuận vẽ năm 1951 tại Việt Bắc đã được Bác Hồ chọn chính thức là chiếc Huy hiệu của Đoàn Thanh niên.
Tháng 07/1950, Trung ương Đoàn thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác đầu tiên gồm 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm đội trưởng. Ngay sau khi thành lập, toàn đội đã khẩn trương lên đường phục vụ chiến dịch Biên giới, chiến dịch lớn đầu tiên của quân ta. Đêm 16 tháng 9 năm 1950 ta đánh chiếm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Chiến sĩ trẻ La Văn Cầu bị thương nặng ở cánh tay, anh đã dũng cảm nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay để khỏi bị vướng và dùng cánh tay còn lại ôm bộc phá tiếp tục xông lên đánh lô cốt của địch. La Văn Cầu được tôn vinh là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết giặc lập công do Đoàn phát động.
Đội Thanh niên xung phong công tác đầu tiên của Trung ương Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến dịch như làm đường, sửa cầu, vận chuyển vũ khí, lương thực, tải thương, thu dọn chiến trường, làm kho tàng… Thành tích xuất sắc của Thanh niên xung phong đã được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương trong Lễ mừng chiến thắng tại thị xã Cao Bằng.
Lực lượng thanh niên xung phong được Bác Hồ hết sức quan tâm, tháng 3/1951 Bác đã đến thăm đơn vị thanh niên xung phong 312 đang sửa cầu Nà Cù ở tỉnh Bắc Cạn. Người đã tặng thanh niên xung phong 4 câu thơ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí cũng làm nên”
Từ đó bốn câu thơ của Bác trở thành phương châm hành động của toàn thể đội viên thanh niên xung phong, đoàn viên, hội viên và thanh niên Việt Nam.
Từ khi ra đời lực lượng thanh niên xung phong trưởng thành nhanh chóng qua các chiến dịch lớn như chiến dịch Biên giới, chiến dịch đường 18, chiến dịch Trung du, Hà Nam Ninh để đến chiến dịch Điện Biên Phủ lực lượng thanh niên xung phong đã lên tới 9.000 đội viên. Công tác chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử rất khẩn trương, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong tích cực vận chuyển vũ khí, đạn dược, phá đá mở đường, bộ đội kéo pháo vào trận địa.
Phân đội 312, Đội TNXP công tác Trung ương đang vận chuyển gỗ sửa cầu Nà Cù, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn năm 1951.
Bác Hồ đến thăm đơn vị TNXP sửa đường phục vụ chiến dịch Đường 18 năm 1951.
Đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Đội trưởng Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên đang hướng dẫn TNXP cách sử dụng súng.
Tổ đánh mìn của Đại đội TNXP Trần Phú đang nhồi mìn để phá bom nổ chậm của địch và phá đá mở đường.
Thanh niên xung phong bắc cầu cho xe qua suối.
Lớp Đội viên thiếu niên Tháng 8 đầu tiên được Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc trao khăn quàng đỏ và triển khai nghi thức Đội tại trường Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, năm 1952.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn về chủ trương quân sự. Đến tháng 12/1953 những công việc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được xúc tiến khẩn trương. Hàng đoàn thanh niên xung phong tiến lên Tây Bắc làm cầu, chốt giữ ở ngã ba Cò Nòi để đảm bảo giao thông. Tất cả những cống hiến hy sinh của thế hệ trẻ và toàn dân tộc đã hòa thành bản anh hùng ca, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Để dẫn tới thắng lợi của chiến dịch lịch sử này, trong những năm kháng chiến trường kỳ, tuổi trẻ cả nước đã cống hiến rất nhiều các anh hùng như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, rồi La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Võ Thị Sáu… họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn quyết định mở Chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 tại ATK Bản Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bắc Thái, tháng 12 năm 1953.
Một đơn vị trong Đội TNXP công tác Trung ương đang mở đường xuyên rừng, vượt núi để bộ đội ta tấn công vào Tây Bắc
Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Ngày 07/5/1954, quân ta toàn thắng, bộ đội ta cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm Tướng Đờ Cátxtơri, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn Huy hiệu Điện Biên Phủ cho các chiến sĩ trẻ lập thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đứng giữa là chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh thuộc C360, B209, Sư đoàn 312 đã cùng đồng đội bắt sống Tướng Đờ Catxtơri vào chiều 07/5/1954.
Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sỹ) được ký ngày 20/7/1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Một số Anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
(bấm vào hình ảnh hiện vật trên đây để xem chi tiết)
@Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam