Bấm Play để nghe thuyết minh
2. Giai đoạn 1945 – 1954: Tuổi trẻ Việt Nam – Khát vọng độc lập, thống nhất non sông (2)
Sau khi giành chính quyền chưa được một tháng, Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu được tổ chức. Đây là đại hội quần chúng đầu tiên Bác đến dự, Bác căn dặn phải thực hiện tốt việc đoàn kết các tầng lớp Thanh niên để chống lại 3 thứ giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, đưa đất nước thoát khỏi cảnh hiểm nghèo.
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, ngày 27/9/1945
Sau khi giành được độc lập, chính quyền non trẻ và nhân dân ta phải đối mặt với tình thế vô cùng khó khăn, thù trong, giặc ngoài, kinh tế kiệt quệ. Có thể nói rằng vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”.
Để xây dựng chính quyền thì dân phải no, dân phải có học vì vậy nhiệm vụ “chống giặc dốt” “chống giặc đói” được đặt lên hàng đâù. Thanh niên chính là lực lượng được Bác giao nhiệm vụ trọng đại này. Và từ đó cả nước bùng lên phong trào dạy và học chữ quốc ngữ, đến hết năm 1946 đã có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ.
Cùng việc đó, Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã vận động hàng triệu đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên lập nên hàng nghìn đội thanh niên xung phong “Tăng gia sản xuất”. Vận động quyên góp cứu đói, thực hiện nhà nhà có “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn” để chia sẻ cho đồng bào đang bị đói.
Với khẩu hiệu “Không một tấc đất bỏ hoang”, “Tấc đất, tấc vàng”, phong trào thi đua sản xuất dấy lên ở khắp các vùng nông thôn, đồng bằng, trung du miền núi và ở các thành phố, thị trấn. Hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tổ chức thành những đội sản xuất đi khai hoang, phục hóa ruộng đất, bảo vệ đê điều, trồng cây lương thực ngắn ngày. Những hoạt động tích cực của đoàn viên, thanh niên đã góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp, đẩy lùi nạn đói.
Nhân dân cả nước hướng ứng phong trào “Hũ gạo cứu đói” năm 1945
Thanh thiếu niên tích cực học tập, hưởng ứng phong trào “Diệt giặc dốt”.
Năm 1950, các chiến sĩ vừa hành quân vừa học văn hóa (người đi sau đọc chữ trên balô người đi trước) hưởng ứng phong trào “Diệt giặc dốt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
Thanh thiếu nhi Hà Nội tích cực tham gia cổ động đợt tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946.
Hướng về miền Nam thân yêu, phong trào “Thanh niên Nam tiến” được phát động rộng rãi. Đoàn viên, thanh niên khắp các địa phương rầm rộ xuống đường tuần hành với biểu ngữ lên án thực dân Pháp và xin Chính phủ cho phép thành lập các đơn vị “Nam tiến” để cùng đồng bào và thanh niên miền Nam diệt giặc cứu nước.
Ngày 19/12/1946, trước tình thế không thể lùi bước, Hồ Chủ Tịch đã đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến là tuổi trẻ Sài Gòn – Chợ Lớn đã thành lập các đội Thanh niên xung phong cảm tử, thanh niên tự vệ kiên quyết đánh trả kẻ thù. Tại thủ đô Hà Nội suốt 60 ngày đêm, nhiều chiến sĩ đã ôm bom ba càng chặn xe tăng giặc ngay trên đường phố với tinh thần “Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Trong khi đó, ở miền Nam đầu năm 1950, phong trào đấu tranh, biểu tình của học sinh, thanh niên Thành phố Sài Gòn đòi địch trả tự do cho những học sinh bị bắt diễn ra quyết liệt. Anh Trần Văn Ơn, một học sinh anh dũng đã hy sinh trước họng súng kẻ thù. Năm 2000 Anh được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tuổi trẻ Thủ đô diễu hành trên đường phố với khẩu hiệu “Thanh niên yêu cầu Chính phủ cho vào Nam Bộ diệt xâm lăng”.
Thanh niên Bình Định hăng hái tham gia phong trào Nam tiến tại ga Quy Nhơn.
Các chiến sỹ Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô chiến đấu giữ từng căn nhà góc phố trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946.
“Đội Thiếu niên Du kích Đình Bảng” được thành lập năm 1949 tại Từ Sơn, Bắc Ninh.
Thực hiện lời Bác Hồ dạy trong thư Bác gửi thiếu nhi tháng 02/1948, thiếu nhi cả nước tích cực tham gia Phong trào Trần Quốc Toản để giúp đỡ đồng bào, tham gia kháng chiến. (Ảnh chụp tranh vẽ phong trào Trần Quốc Toản)
Đám tang của học sinh Trần Văn Ơn ngày 12/01/1950 đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của hàng vạn người ở nhiều tỉnh, thành.
(bấm vào hình ảnh hiện vật trên đây để xem chi tiết)
@Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam