17 tuổi, cái tuổi ăn, tuổi lớn, “da còn trắng, má còn úc, trông thơ ngây quá” nhưng liệt sĩ Ngô Trí Khoa đã phải nếm trải chông gai, bom đạn nơi chiến trường ác liệt. Anh hy sinh khi đã cận kề ngày thống nhất, tuổi đời còn rất trẻ, trên chiến trường Thừa Thiên Huế.
Liệt sĩ Ngô Trí Khoa (ngồi ngoài cùng, bên phải) trong ngày nhập ngũ năm 1969. (Ảnh gia đình cung cấp).
Bức thư có đoạn: “Chú ơi! Cháu là thằng trẻ nhất tiểu đội, cũng yếu gần nhất. Một đứa mà ra đi bộ đội da còn trắng, má còn úc, trông thơ ngây quá. Tuổi đời chỉ có 16,5 tuổi, tuổi ăn, chơi. Vậy mà tấm thân cháu đã phải tôi luyện trong gian khổ…”. Trong gian khổ đã có lần anh phát khóc vì “Đi hành quân từ ngày này qua ngày khác, chân thì bỏng, máu nhầy nhụa, đường gập gềnh hiểm hóc, có lúc muốn nằm sóng xoài giữa đường, lúc lại muốn khỏe lại cho hả dạ. Đêm hôm lại báo động, đèn không được bật, chạy bổ (ngã) khắp ao, khắp đìa như người mù…” (1).
Có lần anh viết thư khi đang làm nhiệm vụ trinh sát quân địch: “Trước mắt cháu là đồn địch. Có nơi chỉ cách quân địch 100-200m. Chỉ 5-7 người đảm nhiệm một chốt nên căng thẳng lắm, mỗi đêm chỉ được ngủ vài ba tiếng, nước uống mỗi ngày được một bình tông”. “Nhưng chú ạ! thép có tôi mới cứng… dù có khó khăn gian khổ đến mấy cháu cũng quyết vượt qua. Ví không có cảnh đông tàn, thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân” (2). Không ai nghĩ rằng những dòng chữ ấy lại được một chàng trai chỉ mới hơn 16 tuổi viết nên. Lòng yêu nước, căm thù giặc, đã hình thành nên nghị lực của người lính Cụ Hồ.
Người lính trẻ ấy đã ra đi khi mà trong tim còn mang nhiều dự định nhưng chưa thành: “Chú Yên ạ, nhất định sau hòa bình thống nhất cháu sẽ ra thăm chú và xem Thủ đô Hà Nội… Chú sẽ đưa cháu đi tham quan các thắng cảnh ở đó chú nhé. Và khi đó ta làm một bình tông xi-rô cho kềnh bụng chú nhé…!”. Đó là lá thư sau cùng anh gửi về quê nhà. Anh hy sinh vào tháng 01/1975 khi đất nước chuẩn bị thống nhất.
(1) Bức thư do Liệt sĩ Ngô Trí Khoa gửi chú, ngày 09/1/1969
(kỷ vật do chị Ngô Thị Thúy Hằng – Trung tâm trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin) tặng cho Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam).
(2) Bức thư do Liệt sĩ Ngô Trí Khoa gửi chú, tháng 05/1973
(kỷ vật do chị Ngô Thị Thúy Hằng – Trung tâm trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin) tặng cho Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam).
* Kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7)
(bấm vào hình ảnh hiện vật trên đây để xem chi tiết)
@Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam