Ngày 15/07 – Ngày truyền thống của lực lượng Thanh niên xung phong mang tới nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Đây là dịp để cả nước nhớ về hình ảnh những người thanh niên xung phong kiên cường, bất khuất, dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đến khi thời bình, những phẩm chất đáng quý của lực lượng thanh niên xung phong vẫn tiếp tục phát huy.
Ra đời trong kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng Thanh niên xung phong đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, xung kích đi đầu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lao động quên mình, anh dũng hy sinh trong phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử của dân tộc.
Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc của Đảng, Nhà nước trao tặng.
Truyền thống cách mạng, phẩm chất của Thanh niên xung phong trong kháng chiến được phát huy, nuôi dưỡng đến hôm nay và là hình mẫu để thế hệ trẻ học hỏi, tiếp bước cha anh, cùng chung sức thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hơn 70 năm trước, Đảng và Bác Hồ đã thành lập Đội Thanh niên xung phong với mục đích phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp đến ngày toàn thắng. Đó cũng chính là trường học lớn góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ thanh niên, phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội sau chiến tranh và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
1. Sáng mãi tinh thần Thanh niên xung phong Việt Nam
Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đến thời điểm quyết liệt. Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác.”
Ngày 15/7/1950, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Sau đó, các Đội Thanh niên xung phong khác lần lượt ra đời, nhiệm vụ được giao là mở đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, khiêng thương, tải đạn, sát cánh với bộ đội, phục vụ chiến đấu, phục vụ chiến trường, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não chiến khu Việt Bắc (ATK).
Đầu tháng 8/1950, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội Thanh niên xung phong công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ…”.
2. Thế hệ trẻ viết tiếp trang sử vàng truyền thống của TNXP Việt Nam
Sự kiện thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác chứng tỏ rằng, Bác Hồ nhận thấy vai trò to lớn của thanh niên. Nếu được tổ chức lại, được động viên, bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, kết hợp ý chí người Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thanh niên, Bác đánh giá cao và tin tưởng họ có sức mạnh dời non lấp biển. Trong Di chúc, Bác Hồ cũng nhấn mạnh vai trò của thanh niên, đánh giá cao lực lượng thanh niên và luôn tin tưởng, giao việc quan trọng cho thanh niên.
Ngày 15/7 từ đó đã đi vào lịch sử, được lấy làm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam. Sự ra đời của lực lượng Thanh niên xung phong là sự sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là sự lãnh đạo xuất sắc của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Trường học lớn của thanh niên xung phong đã giáo dục và rèn luyện một cách toàn diện về chính trị, tư tưởng, quân sự, văn hóa và niềm tin, lối sống, bằng những phương châm, phương pháp rất phù hợp đặc điểm, đậm tính sáng tạo thanh niên. Đây là bài học quý giá cho hôm nay về mô hình, tổ chức, về nội dung, phương thức tập hợp, giáo dục thanh niên.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Tôi luôn coi Thanh niên xung phong như bộ đội, vì trong phẩm chất của Thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”…
Ông khẳng định: “Trong kháng chiến, nhất là chiến dịch, nếu không có Thanh niên xung phong, bộ đội sẽ gặp khó khăn. Bởi công tác hậu cần, nhất là công tác xây dựng các tuyến đường chiến lược và bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến là vô cùng khó khăn và cực kỳ quan trọng, quan trọng không kém công tác chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu hàng ngày, hàng giờ. Lực lượng Thanh niên xung phong đã thực sự đem tinh thần “xung phong” mà Bác Hồ dạy, xung phong trên các chiến trường, góp phần cùng Quân đội lập nên những chiến công oanh liệt và cùng xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng…” (Trích “Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn Thanh niên xung phong, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2017).
Thanh niên xung phong là lực lượng đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Với khí thế của phong trào “Ba sẵn sàng,” “Năm xung phong,” lực lượng Thanh niên xung phong đã có mặt ở các chiến trường, địa bàn trọng điểm, sát cánh cùng bộ đội tham gia chiến đấu.
Đặc biệt, trên 40.000 thanh niên xung phong đã tham gia mở đường Trường Sơn huyền thoại, khắc ghi chiến công tại ngã ba Đồng Lộc, phà sông Gianh, Truông Bồn, Hàm Rồng… Sau ngày giải phóng miền Nam, lực lượng Thanh niên xung phong tiếp tục tham gia xây dựng kinh tế mới, bảo vệ biên giới…
Với những đóng góp, hy sinh to lớn, họ xứng đáng là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam. Truyền thống vẻ vang của lực lượng Thanh niên xung phong đã trở thành giá trị tinh thần to lớn động viên thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.
3. Tiếp nối truyền thống, thanh niên Việt Nam sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng
Trải qua 74 năm xây dựng và phát triển, lịch sử đã chứng minh vai trò và ý nghĩa to lớn của tổ chức TNXP trong việc phát huy, giáo dục, rèn luyện thanh niên. Bác Hồ đã gọi TNXP là “trường học”, đây thực sự là một phương thức đào tạo rèn luyện cán bộ của Đảng là phương thức tổ chức, phương thức hoạt động giáo dục sâu sắc của Đoàn thanh niên. Trưởng thành trong chiến đấu và lao động, nhiều cán bộ, hội viên TNXP đã trở thành những người lao động giỏi, các cán bộ gương mẫu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục đóng góp công sức trí tuệ vào thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Trong suốt 73 năm qua, Lực lượng TNXP Việt Nam là biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của thanh niên. Không những Đảng ta, nhân dân ta vô cùng tự hào, mà cả thanh niên tiến bộ trên toàn thế giới cũng phải hết sức khâm phục; như lời phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của TNXP là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho TNXP lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện được khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam”./.
Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2024)
(bấm vào hình ảnh hiện vật trên đây để xem chi tiết)
@Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam