Tập bài hát “Thanh niên Ba sẵn sàng” do Nhà xuất bản Văn hóa – Nghệ thuật phát hành năm 1965
Tháng 8/1964, thành Đoàn Hà Nội phát động Phong trào “Ba sẵn sàng” với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Tiếp theo đó, tháng 3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng Phong trào “Ba sẵn sàng”, có bổ sung và nâng cao nội dung: Vừa chiến đấu, sản xuất, học tập và xây dựng cuộc sống. Từ một phong trào phát động trong thanh niên Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” lan rộng khắp các tỉnh miền Bắc, chỉ trong vòng hơn một tháng đã có hơn 1,5 triệu đoàn viên, thanh niên viết đơn tham gia phong trào.
Hàng trăm lá đơn được viết, ký tên bằng máu đăng ký tham gia với tỉnh thần “Nước còn giặc phải đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”.
Xúc động trước khí thế chiến đấu của thanh niên, nhiều tác giả đã viết nên những vần thơ, bài hát về tinh thần thanh niên Ba sẵn sàng. Bìa tập bài hát màu xanh, trên cùng có chữ in đó Nguyễn Kim Trinh, tên tập bài hát là “Thanh niên Ba sẵn sàng” chữ in hoa màu xanh đậm; nửa bia dưới in tên bài hát và tác giả; dưới cùng là tên Nhà xuất bản “Văn hóa Nghệ thuật”.
Tập bài hát “Thanh niên Ba sẵn sàng” in bản nhạc những bài hát:
1. Bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của Nhạc sĩ Hoàng Vân.
2. Bài hát “Thanh niên Ba sẵn sàng” của tác giả Lưu Hữu Phước.
3. Bài hát “Gánh thóc nặng tỉnh nước non” của tác giả Lưu Bách Thụ.
4. Bài hát “Bài ca người săn máy bay” của tác giả Văn Lưu.
5. Bài hát “Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi” của tác giả Hiền An.
Năm bài hát của 5 tác giả nổi tiếng viết về lịch sử của dân tộc Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đặc biệt là phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên. Những bài hát này được vang lên trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam và đã thôi thúc thanh niên xung phong lên đường tòng quân chống Mỹ cứu nước.
Tập bài hát do An Chung biên tập và sửa bài, duyệt lần cuối Nguyễn Đình Tỉnh, in 5.000 cuốn tại Nhà in Báo thủ đô Hà Nội, xong và nộp lưu chiểu tháng 4/1965.
Đây là hiện vật gốc, do Đại úy Hoàng Anh Tuấn đã sưu tầm được trong quá trình đi sưu tầm các kỳ vật Đoàn, Hội, Đội. Mặc dù quá trình sưu tầm và lưu giữ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đồng chí Hoàng Anh Tuấn luôn sẵn sàng trao tặng, giới thiệu cho các bảo tàng trong đó có Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam để góp phần giáo dục truyền thống cho công chúng tham quan Bảo tàng.
*Kỷ niệm phong trào “Ba sẵn sàng” (09/8/1964)
(bấm vào hình ảnh hiện vật trên đây để xem chi tiết)
@Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam