Hiện vật “Nhật ký chiến trường”, tập 3, năm 1975 của Trung tá Tạ Bá Thì – cựu trinh sát C17, C40 pháo binh B3 Tây Nguyên đã ghi lại khi tham gia chiến đấu mùa xuân năm 1975 và thần tốc, tiến quân vào giải phóng Sài Gòn.
Ông Tạ Bá Thì sinh năm 1945 ở ở thôn Trinh Nữ, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Học hết lớp 7 ông tham gia cách mạng ngày 5/7/1963 và được kết nạp Đảng ngày 31/12/1964. Tháng 3/1965 ông được điều động vào Nam chiến đấu. Ông là lính trinh sát C17, C40 pháo binh B3 Tây Nguyên. Sau là Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Chính trị viên Phó tiểu đoàn 41 trung đoàn 40. Trung đội của ông tham gia tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Ông được phong cấp và tham gia khóa đào tạo Trung cấp chỉ huy pháo binh Trường Sỹ quan pháo binh tháng 7/1979. Ông chuyển về công tác tại Đặc khu Quảng Ninh giữ chức vụ Chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 454. Ông đạt được nhiều thành tích và danh hiệu khi tham gia chiến đấu và công tác như Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến công giải phóng, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương chiến sĩ giải phóng.
Cuốn nhật ký được ông viết vào cuốn lịch cầm tay do Quân giải phóng in và cấp phát năm 1975 – 1976. Bìa trong cuốn lịch có in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung cuốn lịch in Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tuyên ngôn độc lập; Tiểu sử Hồ Chí Minh; Tiểu sử Hồ Chí Minh; Nhiệm vụ trước mắt của nhân dân miền Nam và lịch các tháng.
“Bởi vì nghĩa nặng tình non nước
Từ giã ra đi gánh sơn hà
Sông pha trận mạc tuổi 18
Trọn nghĩa trọn tình tuổi 30!”
Ngày 30/4/1975
Nhật ký ghi lại thời gian tham gia chiến đấu của tiểu đoàn tham gia chiến dịch mùa xuân năm 1975 và thần tốc tiến quân vào Giải phóng Sài Gòn. Chữ viết mực xanh, mực đỏ bút bi trong các trang lịch. Cuối cuốn lịch ông ghi chép số hiệu của đồng đội, địa chỉ, chữ ký của anh em đồng đội của mình.
Cuốn nhật ký chiến đấu tập 3 (1975 – 1976) được ông Tạ Bá Thì coi như báu vật của người lính, ông nâng niu giữ gìn mang theo bên mình suốt gần 50 năm. Sau cùng, ông đã trao tặng cuốn nhật ký cho Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam nhằm lưu giữ, bảo quản và trưng bày, giới thiệu đến đông đảo công chúng và đoàn viên, thanh niên trên khắp mọi miền đất nước.
(Nhấn vào từng ảnh để xem chi tiết nội dung)
© Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam