Tối 17/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương các thầy, cô giáo xuất sắc, công tác ở các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021-2025.
Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch TƯ Hội LHTN Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam; cùng 58 thầy cô giáo được tuyên dương.
Đồng chí Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch TƯ Hội LHTN Việt Nam trao Bằng khen và sổ tiết kiệm cho thầy cô giáo tại lễ tuyên dương
Sau hơn 2 tháng phát động (từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua), chương trình đã nhận được 107 hồ sơ giới thiệu từ 51 tỉnh, thành phố và các tổ chức. Hội đồng xét chọn đã họp, thống nhất 58 giáo viên tiêu biểu tham gia chương trình. Trong đó, có 19 thầy, cô giáo là người dân tộc thiểu số, với 9 dân tộc: Tày, Nùng, Sán Dìu, Mường, Thái, Giáy, H’mông, Khmer, Cơ Tu; lớn tuổi nhất là các cô giáo Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1970), giảng dạy tại Trường tiểu học An Quang (huyện An Lão, tỉnh Bình Định, có thời gian công tác 32 năm 9 tháng) và Lý Thị Lam (sinh năm 1970), giảng dạy tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Quang Phong (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, có thời gian công tác 22 năm).
Đó là những người ngày đêm “bám bản” gieo chữ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; các thầy, cô giáo đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; những cán bộ, chiến sĩ biên phòng; các giáo viên đặc biệt dạy học sinh khuyết tật; thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số.
Cô Nguyễn Thị Kim Lý giao lưu với khán giả tại lễ tuyên dương
Bên cạnh đó, còn có giáo viên có hoàn cảnh khó khăn nhất là cô Nguyễn Thị Kim Lý, công tác tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Hoa Thám (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, có thời gian giảng dạy 24 năm) có chồng bị ung thư giai đoạn cuối và con gái sống thực vật từ nhỏ…
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy nhấn mạnh: 58 thầy, cô giáo được lựa chọn tuyên dương năm nay hầu hết đều có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác. “Các thầy, cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết, không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn trở thành những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống”, đồng chí Nguyễn Kim Quy nói.
Bày tỏ sự trân trọng trước sự nỗ lực để vượt qua khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhận định: mặc dù hoàn cảnh khác nhau nhưng các thầy, cô giáo tham dự chương trình lần này đều có điểm chung, họ đã chọn việc khó khăn để nhiều người được làm việc nhẹ nhàng, đã chọn cuộc sống gian khổ để viết nên những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò và tình yêu quê hương, Tổ quốc.Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hy vọng, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc sẽ cổ vũ, động viên các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thêm sức mạnh để các thầy, cô giáo vượt qua mọi thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, góp phần tạo nên những thế hệ người Việt Nam thời kỳ mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam.
58 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vinh danh năm 2023
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 là chuỗi hoạt động diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11. Trong khuôn khổ chương trình, các thầy, cô giáo đã gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám…
Đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội và đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam trao Bằng khen và sổ tiết kiệm cho thầy cô giáo tại lễ tuyên dương
Dịp này, 58 thầy, cô giáo được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Kỷ niệm chương của Ủy ban Dân tộc và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp triển khai từ năm 2015. Đến nay, chương trình đã tuyên dương 458 thầy, cô giáo đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu của cả nước. Đó là những người thầy công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; tại các huyện đảo, xã đảo xa xôi; những cán bộ, chiến sĩ biên phòng; các giáo viên đặc biệt dạy học sinh khuyết tật; thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số.
Theo: doanthanhnien.vn