Ông Đặng Đình Thuật (sinh năm 1933), quê ở thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh – nguyên cán bộ TNXP Bắc Ninh. Ngày 31/8/1951, ông Đặng Đình Thuật khi ấy 18 tuổi đã mang nhiệt huyết và sức trẻ của mình hăng hái gia nhập lực lượng Thanh niên Xung phong chống Pháp, lên đường phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc đánh đuổi giặc ngoại xâm, nhập ngũ tại đơn vị Đội 38 TNXP Trung ương, Liên phân Đội TNXP 307 Trần Phú, chức vụ Trung đội trưởng. Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, ông Đặng Đình Thuật đã cùng đội viên Liên phân Đội TNXP 307 Trần Phú vượt quan mọi khó khăn, gian khổ phục vụ chiến đấu từ chiến dịch Uông Bí – Quảng Hồng, chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm bảo các tuyến đường trọng yếu, nối liên các cây cầu để xe thông suốt ngày đêm; làm tròn nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực, thực phẩm…ở các nhà ga, bến phà, đầu cầu, các trọng điểm…dưới những trận bom rơi, bão đạn khốc liệt. Suốt những năm tháng phục vụ kháng chiến, tấm áo trấn thủ, vỏ bao gạo bằng vải, cuốn hồi ký… là những kỷ vật kháng chiến quý báu còn lại đã được ông Đặng Đình Thuật gìn giữ cẩn thận.
Trải qua biết bao gian khổ, vất vả, thiếu thốn, để phục vụ sinh hoạt hàng ngày trong mưa bom lửa đạn, ông Thuật và các đội viên TNXP tự chế nhiều vật dụng để sử dụng từ các chiến lợi phẩm của địch hay sử dụng các vật dụng tự nhiên như tre, nứa… làm đò dùng sinh hoạt. Trong số các đồ dùng đó có chiếc vỏ bao đựng gạo tự khâu may bằng vải, làm thành hình chiếc ruột ngựa dài để đựng gạo quấn quanh bụng. Trong lúc phục vụ chiến đấu, dừng chân tại bất kỳ nơi nào cũng có gạo để nấu cơm ăn.
(bấm vào hình ảnh hiện vật trên đây để xem chi tiết)
@Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam