Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra tại miền Bắc Việt Nam trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 làm khoảng từ 400.000 đến 2 triệu người dân chết đói.
Năm 1945, chính quyền đã về tay nhân dân nhưng trước nạn thù trong giặc ngoài, nạn đói hoành hành giữa lúc “quốc khố khánh kiệt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào “Hũ gạo cứu đói”, cứ mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người đói. Bác Hồ thực hiện đúng như vậy và tới lấy phần gạo của mình, tự tay đổ vào hũ gạo chống đói. Chủ trương vừa đưa ra, tại các thôn làng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở các đại phương, đâu đâu cũng nô nức phong trào “Hũ gạo cứu đói”.
Gia đình anh chị Thắng tại Hải Phòng cũng nhận thấy: Hạt gạo lúc này rõ ràng quý hơn cả vàng bạc, châu báu. Vì vậy, anh chị Thắng cùng mọi người tự giác mỗi bữa bớt một lẻ gạo, chỉ mong mau chóng được đầy hũ để mang đi cứu giúp những gia cảnh khó khăn. Qua phong trào “Hũ gạo cứu đói”, lịch sử lại được chứng kiến thêm một sự thật, một đỉnh cao vời vợi về lẽ sống “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
@Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam